Giả danh công an gọi điện thoại yêu cầu người dân nộp tiền để “chạy tội”

0
404

Việt kiều Mỹ bị lừa hơn 70 triệu đồng

Ngày 27/8, bà C – một Việt kiều Mỹ phản ánh đến Báo điện tử Infonet, ngày 3/6/2018, bà C về nước thăm gia đình (tại TP.HCM) và giải quyết công việc riêng. Ngày 18/8, bà nhận được cuộc gọi từ hai số điện thoại 02439396XXX và 02438269XXX.

Hai người gọi cho bà C tự xưng là Trung úy Dũng và Trung úy Trần Anh Đức, làm việc ở Hà Nội. Hai người này nói rằng có người nhặt được hộ chiếu của bà C vào ngày 7/6/2018 và dùng nó vào việc mua bán ma túy. Người bị bắt khai rằng bà C có nhận 10% từ đường dây mua bán ma túy này.

Hai “công an” mạo danh này liên tục hù dọa và yêu cầu bà C chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để bảo lãnh, nếu không thì vào 16 giờ chiều cùng ngày (18/8), Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội sẽ mời bà C ra Hà Nội và tạm giữ 3-4 tháng để tiến hành điều tra.

Chiêu lừa đảo giả danh công an gọi điện thoại yêu cầu chuyển tiền để khỏi bị điều tra hành vi vi phạm pháp luật. Nạn nhân các đối tượng này nhắm đến có cả Việt kiều về nước.

Ngày 4/9, bà C phải quay về Mỹ vì có việc quan trọng. Sợ quá trình điều tra kéo dài không thể quay về Mỹ như kế hoạch ban đầu nên bà C đã ra ngân hàng chuyển 74,5 triệu đồng vào số tài khoản 19032297220XXX, chủ tài khoản là N.M.T, Ngân hàng Techcombank Hà Nội theo yêu cầu của 2 kẻ mạo danh kia.

Đến ngày 20/8, hai số điện thoại trên tiếp tục gọi cho bà C yêu cầu chuyển thêm 100 triệu đồng. Nhận thấy có dấu hiệu bị lừa, bà C đã trình báo Công an phường 6, quận 3, TP.HCM. Sau đó các đối tượng không còn liên lạc với bà C nữa.

Qua xác minh, Công an phường 6 (quận 3) ghi nhận vụ việc bà C trình báo nhưng do có liên quan đến yếu tố người nước ngoài nên đơn vị này đề nghị bà liên hệ Công an TP.HCM để được giải quyết.

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc lừa đảo với hình thức tương tự như nói trên xảy ra. Gần nhất là trường hợp của ông T.V.T (63 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) bị một người tự xưng là Đại uý Công an tại TP.HCM đang điều tra vụ rửa tiền và buôn ma tuý có liên quan đến ông. Người gọi điện thoại dọa đã có lệnh bắt giam và nếu ông T muốn thoát tội thì phải chuyển 2 tỷ đồng. Nghi ngờ sập bẫy lừa, ông T đã trình báo công an địa phương. Cũng với chiêu thức tương tự, một người đàn ông ở TP Trà Vinh đã bị lừa 100 triệu đồng. Trước đó, ngày 31/7, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng thông tin đã có ít nhất 3 người dân bị lừa chuyển tiền cho các đối tượng giả danh công an đang điều tra với số tiền gần 2 tỷ đồng.

Nạn nhân nên làm gì?

Liên quan đến các vụ lừa đảo với chiêu thức giả danh công an yêu cầu bị hại chuyển tiền để khỏi bị điều tra đang có chiều hướng gia tăng, luật sư Trần Mai Hạnh (Công ty Luật DC Counsel) phân tích: Theo Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định pháp luật.

Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ. Tất cả các hoạt động đều được thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định BLTTHS và được Viện kiểm sát kiểm sát chặt chẽ, căn cứ giữ người, bắt người.

Mặt khác, theo quy định của BLTTHS 2015 thì người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố,người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa (luật sư, người đại diện của người bị buộc tội…).

Do vậy, nếu có vấn đề gì liên quan đến các hoạt động tố tụng thì cá nhân/tổ chức hoàn toàn có thể nhờ người bào chữa tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho mình. Không có chuyện người của cơ quan tiến hành tố tụng liên hệ với người bị buộc tội thông qua điện thoại với văn bản “khởi tố”, “lệnh bắt”… hết sức mơ hồ.

Theo luật sư Mai Hạnh, người dân cần bình tĩnh khi gặp phải các tình huống giả dạng người của cơ quan tiến hành tố tụng để lừa đảo như nói trên. Khi gặp phải các cuộc gọi như vậy cần trình báo với cơ quan công an gần nhất và tuyệt đối không nên vội vàng chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của người khác hoặc cho người khác thông tin số tài khoản ngân hàng, mật khẩu internet banking….

Ngoài ra, luật sư Mai Hạnh còn cho rằng, nếu thực sự là người bị tạm giữ, bị can trong một vụ án hình sự mà người dân lại chuyển tiền cho cơ quan tiến hành tố tụng hoặc người tiến hành tố tụng để được “chạy tội” thì hành vi này là vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội đưa hối lộ quy định tại Điều 364 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Nguồn: infonet.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.