Xuất khẩu hàng tỉ đô la linh kiện-phụ tùng ô tô: Doanh nghiệp trong nước đứng bên lề!

0
452

Xuất khẩu hàng tỉ đô la linh kiện-phụ tùng ô tô: Doanh nghiệp trong nước đứng bên lề!

Quốc Hùng

(TBKTSG) – Dù mỗi năm phải bỏ ra hàng tỉ đô la Mỹ để nhập linh kiện ô tô về lắp ráp, nhưng Việt Nam cũng đồng thời xuất khẩu hàng tỉ đô la phụ tùng linh kiện ô tô xe máy và phương tiện cơ giới mỗi năm. Tuy nhiên, đây chỉ là sân chơi của khối doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước gần như đứng bên lề.

Triển lãm ô tô tại TPHCM. Xuất khẩu phụ tùng linh kiện ô tô vẫn là cuộc chơi của khối doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước gần như đứng bên lề. Ảnh: Thành Hoa

Tăng mạnh xuất khẩu

Trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu phụ tùng ô tô của Toyota Việt Nam đạt trên 34 triệu đô la, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm ngoái, hãng cũng thu về 64 triệu đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu, tăng 5% so với năm 2016. Đây cũng là mức kỷ lục về giá trị xuất khẩu kể từ khi liên doanh Nhật Bản này đưa trung tâm xuất khẩu phụ tùng ô tô tại Việt Nam đi vào hoạt động năm 2004.

Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Toyota Việt Nam là ăng ten, van điều hòa khí xả, bàn đạp chân ga, và lỗ bịt sàn với các thị trường chính là Thái Lan, Indonesia, Phillipines, Malaysia, Ấn Độ, Argentina, Nam Phi, Venezuela… với tổng kim ngạch đến nay là hơn 500 triệu đô la, góp phần vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này cả nước.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương – Bộ Công Thương), hiện nay giá trị xuất khẩu phụ tùng linh kiện ô tô của Việt Nam cao hơn giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng này đến gần 1 tỉ đô la. Những linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam xuất khẩu cũng có công nghệ tương đối cao như bộ dây đánh lửa, phụ tùng trong hộp số, túi khí an toàn… Điều này cho thấy tại Việt Nam có các nhà sản xuất linh phụ kiện ô tô đạt chất lượng cao, và đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chứ không phải chỉ sản xuất những sản phẩm giản đơn.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng trong năm qua gần cán mốc 7 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,4% so với năm trước đó. Riêng trong sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 4,03 tỉ đô la, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này các năm gần đây đã vượt cả kim ngạch xuất khẩu một số nhóm mặt hàng mà Việt Nam từng có thế mạnh, để đạt vị trí thứ 8 trong số những nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất hiện nay.

Các thị trường nhập khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng từ Việt Nam có cả những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển, như Nhật Bản với trị giá đạt 1,17 tỉ đô la Mỹ (tăng 15,1%); Hoa Kỳ đạt 625 triệu đô la (tăng 27,4%);… Một số thị trường khác như Thái Lan, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc,… cũng tăng nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ Việt Nam.

Dù số liệu thống kê tính cả những phương tiện vận tải, nhưng theo giới quan sát, đóng góp phần lớn xuất khẩu nhóm mặt hàng này là linh kiện phụ tùng ô tô. Bởi lẽ sản phẩm ô tô lắp ráp ở trong nước có chi phí cao hơn đến 20% so với ô tô nguyên chiếc được sản xuất ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia nên không thể xuất khẩu.

Đối với xe gắn máy và linh kiện, hiện nay có Honda Việt Nam và Piaggio Việt Nam xuất khẩu. Nhưng ngay cả doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất mặt hàng này là Honda cũng chỉ mang về khoảng 330 triệu đô la Mỹ trong năm qua.

Sản phẩm ô tô lắp ráp ở trong nước có chi phí cao hơn đến 20% so với ô tô nguyên chiếc được sản xuất ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia nên không thể xuất khẩu.

Ai là nhà cung cấp?

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy cho rằng công nghiệp phụ tùng linh kiện ô tô tại Việt Nam đạt được một số kết quả nhất định (về công nghệ sản xuất, kim ngạch xuất khẩu) chủ yếu nhờ một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Họ chọn Việt Nam làm điểm sản xuất để xuất khẩu đi toàn cầu.

Có mặt ở Việt Nam khá sớm phải kể đến những tập đoàn đến từ Nhật Bản, Đài Loan,… như MTEX, FAPV, Nissei, Nidec Tosok, Furukawa, Okaya, Nagata, Sanyo Seisakusho, Pronics, Cobal Yamada,… Họ đã cung cấp những linh kiện và phụ tùng cho những hãng ô tô hàng đầu thế giới, nhưng không bán cho thị trường nội địa.

Sau đó, Việt Nam cũng thu hút được các nhà cung cấp phụ tùng ô tô của các nước khác như Đức, Hàn Quốc, Thái Lan,… Chẳng hạn nhà máy Bosch Powertrain Solutions tại Đồng Nai, sau 10 năm thành lập giờ đã trở thành nhà máy sản xuất dây đai truyền lực biến đổi liên tục (CVT pushbelt) cho ngành ô tô, lớn nhất trong hệ thống toàn cầu của Bosch, cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô tại châu Á – Thái Bình Dương và Bắc Mỹ.

Nhiều nhà đầu tư cho biết sẽ tiếp tục rót vốn và mở rộng sản xuất trong bối cảnh Việt Nam được xem là một trong những điểm đến đầu tư sản xuất hàng đầu trên thế giới hiện nay. Tập đoàn Nidec (Nhật Bản) cho biết tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, nhưng chưa tiết lộ con số cụ thể. Trong khi đó, Bosch vào cuối năm rồi đã công bố đầu tư thêm 58 triệu euro (67 triệu đô la Mỹ) để nâng đầu tư tại nhà máy ở Đồng Nai là 321 triệu euro (372 triệu đô la) vào cuối năm nay.

Bên cạnh việc mở rộng sản xuất phục vụ thị trường xuất khẩu, tình hình cho thấy các nhà cung cấp nước ngoài giờ đây cũng bắt đầu hướng đến thị trường ô tô Việt Nam khi nhìn thấy sự quyết tâm phát triển ngành này của Chính phủ.

Ông Suttisak Wilanan, Phó giám đốc Reed Tradex, công ty tổ chức các sự kiện triển lãm công nghiệp của Thái Lan, tỏ ra lạc quan về sự trở lại sôi động của ngành công nghiệp ô tô trong nước thông qua các dự án đầu tư mới của VinFast; và việc khánh thành nhà máy sản xuất xe Mazda lớn nhất và hiện đại nhất ở Đông Nam Á của Thaco. Gần đây, Toyota cũng đề xuất tăng thêm vốn để nâng gấp đôi công suất sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Vĩnh Phúc, để đạt 90.000 xe/năm vào năm 2023,… Ông cho rằng Việt Nam có một vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực ASEAN với nhiều cảng biển lớn, sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với các nhà sản xuất xe hơi của Thái Lan và Indonesia để phát triển công nghiệp linh kiện ngành ô tô.

Mới đây, Pyeong Hwa Automotive (Hàn Quốc) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án xây nhà máy phụ tùng ô tô ở khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng). Dự án có tổng vốn đầu tư 16,7 triệu đô la dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 9-2019. Mục tiêu của Pyeong Hwa là cung cấp phụ tùng ô tô cho khu vực Đông Nam Á.

Một số doanh nghiệp lớn trong nước cũng không muốn bỏ qua cơ hội. Thaco với 5 nhà máy lắp ráp ô tô sản xuất các dòng xe tải, buýt, xe du lịch Kia, Mazda, Peugeot hiện đã phát triển được 15 nhà máy sản xuất linh kiện phục vụ cho việc lắp ráp xe nguyên chiếc của công ty và cũng đã mang về được vài triệu đô la kim ngạch xuất khẩu vào năm ngoái. Trong năm nay, Thaco hướng đến xuất khẩu 6,4 triệu đô la linh kiện. Cùng với Trường Hải, một tên tuổi mới là VinFast cũng đang được kỳ vọng sẽ tạo ra sức phát triển mới cho ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng của Việt Nam.

Nguồn: thesaigontimes.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.