Cơ hội hợp tác đa ngành cùng doanh nghiệp Hong Kong

0
394

Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong vừa tổ chức hội nghị chuyên đề In Style Hong Kong tại TP HCM. Tại sự kiện, các diễn giả đã giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ nổi bật cũng như những lợi thế của thành phố cảng, mang đến cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai bên. Dưới đây là một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hong Kong kỳ vọng sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp Việt tham gia trở thành đối tác, thúc đẩy thương mại song phương.

Cơ hội của ngành bán lẻ Việt được các diễn giả chia sẻ tại sự kiện In Style Hong Kong ngày 20/9.

Cơ hội của ngành bán lẻ Việt được các diễn giả chia sẻ tại sự kiện In Style Hong Kong diễn ra ngày 20/9 tại TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Mô hình bán lẻ hỗn hợp E-tailing

Giordano thành lập năm 1981 và hiện có hơn 2.400 cửa hàng, 8.000 nhân viên tại hơn 30 quốc gia, khu vực trên toàn thế giới. Thương hiệu thời trang Hong Kong này đạt bước phát triển mạnh mẽ và tiết kiệm tối đa chi phí nhờ áp dụng mô hình bán lẻ kiểu mới mang tên E-tailing.

Theo Tiến sĩ Gary Chan – Tổng giám đốc điều hành Giordano International, trước đây các doanh nghiệp chỉ biết đến hình thức truyền thống. Quần áo sản xuất, đưa đến kho, ra cửa hàng và mua về nhà. Khi Internet xuất hiện, khái niệm thương mại điện tử ra đời, quá trình mua bán diễn ra online và không cần đến cửa hàng.

Nhưng sau đó một xu hướng mới ra đời, người dùng có thể trải nghiệm sản phẩm tại cửa hàng, chọn cho mình món ưng ý rồi lên website đặt mua. Hoặc ngược lại, họ lựa mẫu mã tại shop online và đến điểm bán kiểm tra thực tế rồi mới thanh toán. Đó chính là E-tailing.

Lợi ích của hình thức này là giúp doanh nghiệp tiếp cận rộng rãi hơn tới người dùng, thu thập dữ liệu khách hàng dễ hơn và từ khối thông tin đó đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Công ty cũng có thể có tăng doanh số nhờ việc nghiên cứu thói quen người dùng, ra các mẫu mã đáp ứng nhu cầu của họ, bên cạnh việc thu hút khách hàng mới.

E-tailing hiệu quả trong việc quản lý hàng tồn kho. Giordano không cần xây dựng kho trữ tại hàng nghìn điểm bán. Khách du lịch nếu không muốn xách lỉnh kỉnh lên máy bay, hệ thống Giordano sẽ kiểm tra địa chỉ, nếu kho gần nhất có hàng sẽ vận chuyển đến tận nhà.

“Nếu áp dụng được mô hình này, các đơn vị khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ giảm thiểu chi phí phát sinh kho bãi, phí nhân công…”, Tiến sĩ Gary Chan nhận xét.

Thanh toán không tiền mặt

Theo GSM, thanh toán di động là xu hướng mới của thế giới. Năm 2017, có 276 nền tảng thanh toán di động phát triển trên 90 quốc gia. Toàn thế giới có 690 triệu tài khoản được tạo và 247 triệu tài khoản có hoạt động, giá trị thanh toán mỗi ngày khoảng một tỷ USD.

The Asian Banker thống kê Việt Nam có 90% giao dịch qua tiền mặt tuy nhiên người dùng đang có xu hướng chuyển dần sang thanh toán thẻ. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu năm 2020 sẽ có 10 triệu người sử dụng ví điện tử nhờ tiềm năng 72% người dùng smartphone, dân số trẻ dễ thích nghi công nghệ mới. Để đạt mức kỳ vọng này, Việt Nam cần tiếp xúc với những mô hình tiện lợi, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng.

Ông Gary Chan và bà Carol Wan thảo luận tại sự kiện.

Ông Gary Chan và bà Carol Wan tại sự kiện do Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong (HKTDC) tổ chức tại TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.

Bà Carol Wan – Phó chủ tịch PCCW Global cho biết thanh toán di động xuất hiện tại Hong Kong từ năm 2013. Đến năm 2015, ví điện tử Tap&Go ra mắt, cung cấp giải pháp cho các tổ chức giáo dục, chính phủ, kinh doanh tại châu Phi, Đài Loan, Jamaica. Đây là mạng lưới chi trả theo nhiều hình thức, có thể nạp tiền từ các cửa hàng, thẻ master, visa, ATM…

Ưu điểm của ứng dụng là giúp người dùng thanh toán nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, cha mẹ có thể quản lý chi tiêu của con cái. Ở quy mô rộng hơn, doanh nghiệp sẽ tăng khả năng tiếp cận người dùng, giảm tình trạng giả mạo, nhận tiền nhanh. Khi xây dựng cho chính phủ, hệ thống được lập trình để các khoản tiền phúc lợi đến tận tay người dân, không cần phải ra ngân hàng nhận.

“Tap&Go là một giải pháp thanh toán di động thông minh mà các đơn vị tại Việt Nam có thể mua lại và đặt tên hoàn toàn mới. Ngoài ra, dựa trên nhu cầu sử dụng, nhà cung cấp sẽ điều chỉnh các tính năng và tư vấn hỗ trợ, đưa ra giải pháp riêng cho người dùng”, bà Carol Wan nói.

Tăng hiệu suất logistic, giảm chi phí

Theo Tiến sĩ Athony Lau – Chủ tịch Pacific Air (Hong Kong), chi phí logistic tại Việt Nam hiện chiếm 20,8% GDP (số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam). Tuy nhiên con số này ở Hong Kong chỉ 6,2% năm 2017 nhờ quá trình vận chuyển hàng hóa giải quyết thông minh, hiệu suất cao.

Thành phố cảng quy tụ hơn 100 hãng hàng không với đường bay tới 220 điểm đến trên toàn thế giới, nhiều năm được đánh giá vào top những sân bay tốt nhất thế giới. Sắp tới, cây cầu nối liền Hong Kong – Chu Hải – Macau khánh thành cùng sự hợp tác chặt chẽ với hải quan Trung Quốc sẽ rút ngắn thời gian tải hàng từ Hong Kong đến đất nước 1,3 tỷ dân chỉ trong 24 giờ.

“Vì vậy doanh nghiệp Việt hợp tác sẽ được chuyển giao nhiều kinh nghiệm trong công tác hậu cần, tăng hiệu suất logistic, giúp tiếp cận thị trường Trung Quốc và thế giới. Ngược lại, Việt Nam cũng trở thành điểm trung chuyển hàng đến các quốc gia Đông Nam Á khác”, Tiến sĩ Athony Lau chia sẻ.

Hoài Nhơn

Nguồn : vnexpress.net

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.